Trang chủ Giấy phép thương mại điện tử Quy định mới nhất về giấy phép sàn giao dịch TMĐT

Quy định mới nhất về giấy phép sàn giao dịch TMĐT

giaoGiấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử là loại giấy phép mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải thực hiện đăng ký với Bộ Công Thương trước khi cung cấp dịch vụ đến người sử dụng. Để đăng ký giấy phép sàn thương mại điện tử doanh nghiệp phải lưu ý những nội dung sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Nghị định 52/2013/ NĐ-CP về Thương mại điện tử;
  • Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;
  • Nghị định 08/2018/NĐ- CP Sửa đổi một số nghị định liên quan đên điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ công thương;
  • Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;
  • Thông tư 47/2014/ TT- BTC Quy định quản lý website thương mại điện tử.

Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?

Sàn giao dịch thương mại điện tử là website hoặc ứng dụng do doanh nghiệp thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm: mua bán, trao đổi, tìm kiếm thông tin hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ giữa bên mua – bên bán, hoạt động này tiến hành toàn bộ hoặc một phần trên môi trường điện tử.

Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử:

  • Website/ứng dụng cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
  • Website/ứng dụng cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;
  • Website/ứng dụng có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
  • Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Điều kiện để đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử

Thứ nhất, phải là doanh nghiệp, tổ chức được cấp mã số thuế, có đăng ký ngành nghề kinh doanh về thương mại điện tử

Mã ngành 4791: Bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet

Chi tiết: Hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: Sàn giao dịch thương mại điện tử

Thứ hai, có website hoặc ứng dụng đã được hoàn thiện đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Công bố thông tin chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, gồm:

a) Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức;

b) Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức;

c) Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

  • Xây dựng và công bố công khai trên trang chủ của website/ứng dụng quy chế hoạt động của sàn giao dịch TMĐT, theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Nội dung quy chế bao gồm:

a) Quyền và nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử;

b) Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử;

c) Nếu sàn giao dịch thương mại điện tử có kết hợp nhiều hình thức hoạt động khác nhau, mô tả quy trình giao dịch đối với từng hình thức tổ chức hoạt động này, bao gồm quy trình giao nhận hàng hóa (nếu có);

d) Hoạt động rà soát và thẩm quyền xử lý của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi phát hiện các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch;

đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, trường hợp một giao dịch có nhiều hơn 02 bên tham gia thì phải phân định rõ trách nhiệm giữa các bên bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ;

e) Giới hạn trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong những giao dịch thực hiện trên sàn;

g) Các quy định về an toàn thông tin, cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin và quản lý thông tin trên sàn giao dịch thương mại điện tử

h) Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch tiến hành trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

i) Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 69 Nghị định 52/2013/NĐ-CP;

k) Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

l) Biện pháp xử lý vi phạm đối với những người không tuân thủ quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử;

m) Phân định trách nhiệm về cung cấp chứng từ hàng hóa giữa người bán, bên cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử và bên cung cấp dịch vụ logistics trong trường hợp có giao kết sử dụng dịch vụ logistics của bên thứ ba;

n) Quy trình phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

o) Chính sách áp dụng chung cho các giao dịch trên sàn liên quan đến vấn đề kiểm hàng, chính sách đổi trả, chính sách hoàn tiền (bao gồm những trường hợp hoàn tiền, quy trình và phương thức hoàn tiền cho khách hàng) trong trường hợp sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến.

  • Yêu cầu người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Với người bán nước ngoài, các tên riêng được phiên âm tiếng Việt hoặc thể hiện bằng ký tự La tinh, các thông tin bao gồm:

a) Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân;

b) Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;

c) Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

  • Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.
  • Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.
  • Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định 52/2013/NĐ-CP nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
  • Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
  • Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử, cụ thể:

a) Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

c) Phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy trình, thủ tục công bố tại Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử;

d) Cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật;

đ) Các biện pháp khác theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử.

  • Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại.

a) Cung cấp thông tin về đối tượng có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin nêu trên;

b) Thường xuyên cập nhật từ khóa theo khuyến cáo từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và lọc thông tin theo từ khóa trước khi thông tin về hàng hóa, dịch vụ hiển thị trên website;

c) Tiếp nhận, phản hồi thông tin để giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn giao dịch thương mại điện tử tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ online.gov.vn.”

  • Công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn h thương mại điện tử. Khi khách hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
  • Xây dựng phương án tích hợp báo cáo hoạt động thương mại điện tử với hệ thống online.gov.vn của Bộ Công Thương.

Hồ sơ đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử

  • Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
  • Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức); bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân), giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài);
  • Đề án cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, nội dung đề án nêu rõ:

– Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa;

– Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.

  • Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tuân thủ các quy định tại Nghị định về thương mại điện tử và các quy định của pháp luật có liên quan;
  • Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung, nếu có;
  • Các tài liệu khác do Bộ Công Thương quy định.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử

Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký sàn thương mại điện tử được Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn

Thủ tục đăng ký sàn thương mại điện tử

  • Bước 1: Hồ sơ được nộp bằng hình thức trực tuyến, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn

Doanh nghiệp,tổ chức chuẩn bị hồ sơ nộp điện tử được lưu trữ dưới dạng: jpg,png,jpeg,doc,docx,pdf,rar,zip,xls,xlsx.

  • Bước 2: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, doanh nghiệp, tổ chức tiến hành đăng nhập, chọn chức năng đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ và tiến hành khai báo thông tin theo mẫu, đính kèm hồ sơ lưu trữ dưới dạng điện tử và nộp hồ sơ.
  • Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, thương nhân, doanh nghiệp, tổ chức nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ doanh nghiệp, tổ chức nộp một bộ hồ sơ bản giấy bao gồm các tài liệu theo quy định, sau khi nhận được bản giấy trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Công Thương sẽ gửi qua email của doanh nghiệp xác nhận website/ứng dụng Sàn giao dịch đã được đăng ký đó là một đoạn mã để gắn lên website/ứng dụng sàn giao dịch, thể hiện thành biểu tượng đã đăng ký. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin thông báo tương ứng của thương nhân, tổ chức, tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Kết quả thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận được:

san giao dich thuong mai dien tu

Những vướng mắc mà khách hàng gặp phải khi thực hiện việc đăng ký website/ứng dụng sàn thương mại điện tử:

Câu hỏi: Công ty chúng tôi thiết lập một sàn giao dịch TMĐT, trên sàn còn có cả hoạt động khuyến mại thì có cần lưu ý gì không?

Luật HT trả lời:

Đối với mô hình sàn thương mại điện tử của Quý công ty cần phân biệt các trường hợp như sau:

Thứ nhất, hoạt động khuyến mại do chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, khuyến mại cho chủ thể tham gia trên sàn, bao gồm người bán, người mua

Thứ hai, hoạt động khuyến mại của người bán trên sàn giao dịch TMĐT

Với trường hợp này tức là chủ sở hữu sàn thiết lập tính năng, tạo môi trường để người bán thực hiện hoạt động khuyến mại trên sàn giao dịch của mình. Như vậy, ngoài việc đăng ký Sàn thương mại điện tử thì chủ sở hữu sàn còn phải đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ Khuyến mại trực tuyến với Bộ Công Thương.

Lưu ý về việc thông báo hoạt động khuyến mại của thương nhân là người bán trên Sàn giao dịch TMĐT:

Căn cứ, điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương Mại: trường hợp không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại “Thương nhân chỉ thực hiện bán hàng và khuyến mại thông qua sàn giao dịch TMĐT, website khuyến mại trực tuyến”.

Câu hỏi: Website về giao dịch ngoại hối có cần thực hiện thủ tục đăng ký không ?

Luật HT trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử

“Hoạt động TMĐT trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, xổ số; mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; dịch vụ đặt cược hoặc trò chơi có thưởng; dịch vụ phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phát thanh, truyền hình đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.”

Do đó, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số không thực hiện xác nhận đăng ký hoặc thông báo website TMĐT cho các website cho phép hoạt động trong lĩnh vực mua bán, trao đổi ngoại hối dưới hình thức hoạt động sàn thương mại điện tử hoặc website thương mại điện tử bán hàng.

Lưu ý: các sàn giao dịch này thường có cùng một số đặc điểm tương đồng, chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức (mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân (Binary Option) với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản (có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỷ giá…).

Câu hỏi: Sàn giao dịch TMĐT của công ty chúng tôi sử dụng phương thức thanh toán là tiền điện tử như xu, point giữa người mua và người bán trên sàn thì có được không ?

Luật HT trả lời:

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 6,  Khoản 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt: 

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7.Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này.”

Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Thứ hai, theo quy định tại Bộ luật hình sự 2017 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13), tại điểm h, Khoản 1, Điều 206 sửa đổi về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ 1/1/2018  người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;

Như vậy, việc sử dụng xu, point và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.

Các chủ sở hữu thiết lập Sàn giao dịch TMĐT chỉ có thể sử dụng các phương thức thanh toán trên sàn như: thanh toán bằng hình thức chuyển khoản thông qua các đơn vị trung gian thanh toán; thanh toán nhận hàng – trả tiền và các hình thức thanh toán khác theo quy định của pháp luật Việt Nam

Dịch vụ tư vấn đăng ký giấy phép sàn giao dịch TMĐT của Luật HT

  • Tư vấn, kiểm tra website/ứng dụng sàn thương mại điện tử đã đáp ứng điều kiện để đăng ký;
  • Tư vấn hoàn thiện các nội dung và tính năng cho website/ứng dụng sàn thương mại điện tử;
  • Tư vấn soạn thảo các nội dung thông tin để đăng tải trên website/ứng dụng sàn giao dịch;
  • Tư vấn các thủ tục để thực hiện đăng ký website/ứng dụng sàn giao dịch;
  • Tư vấn cho khách hàng chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến thủ tục đăng ký website/ứng dụng sàn giao dịch;
  • Thực hiện đăng ký website/ứng dụng sàn giao dịch với Bộ Công thương;
  • Tư vấn pháp lý trong quá trình hoạt động của sàn thương mại điện tử.

Công ty Luật HT luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Mọi khó khăn, vướng mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ hoặc gửi email để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!

Liên hệ HTLaw Liên hệ hỗ trợ qua Zalo Fanpage Facebook
0977659898