Điều kiện để chia lợi nhuận công ty
Lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu mà các chủ thể hướng tới khi tham gia hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, việc phân chia lợi nhuận luôn là vấn đề mà các thành viên, hoặc các cổ đông trong công ty đặc biệt quan tâm. Vậy điều kiện để chia lợi nhuân công ty là gì? Sau đây, trong bài viết này Luật HT sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin về các điều kiện để chia lợi nhuận công ty.
Mục lục
Cơ sở pháp lý
Luật Doanh nghiệp 2020
Điều kiện chia lợi nhuận trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên
Khi chúng ta thành lập công ty là muốn hoạt động kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận. Khi một người không có đủ nguồn vốn để kinh doanh mà phải hợp tác với người khác để thành lập doanh nghiệp dưới hình thức công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì việc quan tâm đến điều kiện để chia lợi nhuận trong công ty TNHH 2 thành viên là rất cần thiết. Thực tế, điều kiện chia lợi nhuận trong công ty TNHH 2 thành viên được quy định chi tiết:
Theo điều 69 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
“Công ty chỉ được chia nhuận cho các thành viên sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn sau khi chia lợi nhuận”
Như vậy thành viên sẽ được công ty chia lợi nhuận với điều kiện đầu tiên là công ty kinh doanh phải có lãi. Tuy nhiên phải kèm theo thêm điều kiện, công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận. Tức là công ty trước tiên phải nộp tất cả các khoản thuế cần phải đóng, các khoản tài chính khác theo quy định. Xong rồi mới tính đến việc chia lợi nhuận.
Trong quá trình tính toán lợi nhuận, công ty phải bảo đảm sau khi lợi nhuận vẫn còn khả năng tài chính để thanh toán các khoản nợ, thanh toán các nghĩa vụ tài sản đến hạn trả. Như vậy công ty không bảo đảm khả năng thanh toán khi không được chia lợi nhuận.
Điều kiện để chia lợi nhuận trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Công ty TNHH 1 thành viên là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Khoản lợi nhuận trong công ty TNHH 1 thành viên có thể hiểu là phần tài sản thu được trong quá trình hoạt động kinh doanh sau khi trừ đi tất cả các chi phí là thuế. Lợi nhuận được xem như là mục tiêu của mỗi công ty trong quá trình hoạt động. Lợi nhuận càng cao, công ty làm ăn kinh doanh phát triển. Có lợi nhuận, công ty sẽ có khả năng mở rộng, phát triển cao hơn.
Rút lợi nhuận của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên
Theo khoản 6 điều 77 Luật Doanh nghiệp năm 2020 chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác khi đến hạn. Chủ sở hữu công ty chỉ được rút lợi nhuận sau khi công ty đã thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khi đến hạn. Hoặc chỉ được rút khi các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác chưa đến hạn.
Làm thế nào để biết các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn? Điều đó sẽ được nêu rõ trong báo cáo tài chính của công ty. Báo cáo tài chính sẽ ghi lại chính xác nhất tình hình hoạt động của công ty.
Sau khi thanh toán xong, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên sẽ rút lợi nhuận. Cụ thể:
+ Đối với công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu: Sẽ được hưởng toàn bộ số lợi nhuận đó. Chủ sở hữu công ty sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
+ Đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu: Các thành viên trong tổ chức sẽ hưởng lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn.
Điều kiện để chia lợi nhuận trong công ty Cổ phần
Quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 “Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính”
Theo đó lợi nhuận để chia trong công ty cổ phần chính là việc phân chia cổ tức. Trong công ty cổ phần, lợi nhuận phân chia được gọi là cổ tức. Việc trả cổ tức giữa các cổ đông không giống nhau, cụ thể là giữa cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi cổ tức sẽ được trả các mức cổ tức khác nhau.
Đối với cổ đông phổ thông, cổ tức được trả theo quyết định của Đại hội đồng thành viên. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
– Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
– Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Cổ đông ưu đãi cổ tức là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả mức cổ tức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi cụ thể trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức. Tuy nhiên, cổ đông ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Phân chia cổ tức đáp ứng các điều kiện sau:
+ Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật
+ Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty
+ Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn
– Cách tỷ tệ chi trả cổ tức trong công ty cổ phần
Tỉ lệ chi trả cổ tức = Cổ tức một cổ phần/Thu nhập một cổ phần
Điều kiện chia lợi nhuận trong công ty Hợp danh
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020. Công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân, trong đó có ít nhất hai thành viên hợp danh (đều là cá nhân) cùng hoạt động thương mại dưới một pháp nhân chung và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản nợ của công ty. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty hợp danh còn có thể có thêm các thành viên góp vốn.
Đối với thành viên hợp danh, khi góp vốn vào công ty, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 181 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì thành viên hợp danh được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty. Ví dụ, trong điều lệ ghi nhận là X được hưởng lợi nhuận gấp 2 lần tỷ lệ vốn góp nên X sẽ được hưởng số lợi nhuận theo quy định nhân với 2 lần.
Đối với thành viên góp vốn, thành viên góp vốn sẽ được chia lợi nhuận hàng năm tương ứng với tỷ lệ góp vốn trong điều lệ công ty.
Theo khoản e Khoản 1 Điều 181 về quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh có quy định thành viên hợp danh có các quyền được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp hoặc theo thoả thuận quy định tại Điều lệ công ty; Và theo khoản b Khoản 1 Điều 187 về quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn có quy định thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận hàng năm tương ứng với tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ công ty.
Trên đây là những quy định của Luật doanh nghiệp 2020 về điều kiện để chia lợi nhuận công ty. Nếu bạn còn bất cứ vướng mắc nào về vấn đề này hoặc bạn cần tư vấn về thủ tục thành lập doanh nghiệp, thành lập công ty vui lòng liên hệ chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ.