Điều kiện để chia lợi nhuận của công ty
Lợi nhuận là phần tài sản mà nhà đầu tư nhận thêm nhờ đầu tư sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan đến đầu tư đó, bao gồm cả chi phí cơ hội, là phần chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí. Lợi nhuận là một trong những cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty, quyết định đến sự tồn vong của công ty, có lợi nhuận sẽ giúp công ty phát triển, tạo động lực cho các thành viên trong công ty. Như vậy, lợi nhuận có vai trò rất quan trọng và cần thiết đối với công ty. Sau đây, Luật HT xin cung cấp tới quý khách hàng những điều kiện để chia lợi nhuận công ty :
Nếu như công ty TNHH một thành viên sẽ không quan tâm nhiều đến vấn đề chia lợi nhuận bởi vì chủ sở hữu công ty sẽ được hưởng tất cả các lợi nhuận thu được, thì vấn đề chia lợi nhuận trong công ty TNHH hai thành viên trở lên là vấn đề mà thành viên công ty quan tâm. Theo điều 69 Luật Doanh nghiệp năm 2020, quy định về điều kiện để chia lợi nhuận trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, theo đó, công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên :
- Thứ nhất, sau khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế : Xuất phát từ việc thành viên công ty sẽ được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp, do đó thành viên công ty phải góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty, từ nghĩa vụ góp vốn của thành viên công ty nên công ty phải chia lợi nhuận cho họ, tuy nhiên, để chia lợi nhuận đúng luật, công ty phải hoàn thành các nghĩa vụ thuế, ví dụ: lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp,…
- Thứ hai,công ty đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn trả sau khi chia lợi nhuận : Nghĩa vụ tài chính khác như : phí, lệ phí,…mà công ty phải nộp, bên cạnh đó là các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản công ty cũng phải hoàn thành trước khi chia lợi nhuận. Như vậy, công ty trước tiên phải nộp tất cả các khoản thuế cần phải đóng, các khoản tài chính khác theo quy định rồi mới tính toán đến việc chia lợi nhuận.
Lưu ý : Trong trường hợp chia lợi nhuận cho thành viên trái với các điều kiện vừa nêu trên thì các thành viên công ty phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty tương ứng với số tiền, tài sản chưa hoàn trả đủ cho đến khi hoàn trả đủ số tiền, tài sản khác đã nhận.
Đối với công ty cổ phần, cổ tức chi trả cho các cổ đông chính là khoản lợi nhuận mà cổ đông đó nhận được khi đầu tư vào công ty. Theo quy định tại Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2022, điều kiện trả cổ tức được thực hiện như sau:
- Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi.
- Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
– Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
– Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Có thể thấy, việc đưa ra các điều kiện để chia lợi nhuận đối với công ty theo Luật Doanh nghiệp nhằm thúc đẩy trách nhiệm của công ty với nhà nước, hạn chế các khoản nợ của công ty, là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển bền vững đối với công ty.
Mọi vấn đề vướng mắc về điều kiện chia lợi nhuận công ty, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Luật HT để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.