Giấy phép nhập khẩu sách để kinh doanh
Giấy phép nhập khẩu sách để kinh doanh là văn bản pháp lý mà tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép nhập khẩu sách vào Việt Nam để kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Để nhập khẩu sách tổ chức, cá nhân cần phải thực hiện việc xin giấy phép hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm và đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh, các bước xin giấy phép thực hiện như sau:
Mục lục
- 1 Cơ sở pháp lý:
- 2 Bước 1: Xin cấp giấy phép nhập khẩu sách (xuất bản phẩm)
- 3 Bước 2: Đăng ký nhập khẩu sách để kinh doanh
- 4 Bước 3: Thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu trước khi phát hành
- 5 Chế độ báo cáo định kỳ của cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm
- 6 Dịch vụ xin giấy phép nhập khẩu sách (xuất bản phẩm) của Luật HT
Cơ sở pháp lý:
- Luật Xuất bản số 19/2012/QH13;
- Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản;
- Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;
- Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/02/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.
Bước 1: Xin cấp giấy phép nhập khẩu sách (xuất bản phẩm)
Điều kiện để cấp giấy phép hoạt động nhập khẩu sách
- Có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
- Người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải thường trú tại Việt Nam, có văn bằng do cơ sở đào tạo chuyên ngành cấp là bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm;
- Trường hợp người đứng đầu cơ sở hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành khác, phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;
- Có ít nhất 05 (năm) nhân viên đủ năng lực thẩm định nội dung sách, cụ thể: Phải có thâm niên công tác trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam từ 05 năm trở lên, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành ngoại ngữ hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành khác nhưng có trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu thẩm định nội dung sách nhập khẩu và có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu sách
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm;
- Bản sao có chứng thực một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư;
- Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm kèm theo bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;
- Danh sách nhân viên thẩm định nội dung sách.
Cơ quan giải quyết hồ sơ
- Hồ sơ được nộp tại Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) bằng hình thức trực tiếp, đường bưu chính, qua cổng dịch vụ công.
- Thời gian xử lý hồ sơ 20 ngày làm việc.
Bước 2: Đăng ký nhập khẩu sách để kinh doanh
Hồ sơ đăng ký nhập khẩu sách để kinh doanh gồm:
- Đơn đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm;
- Ba (03) bản danh mục xuất bản phẩm đăng ký nhập khẩu.
Trường hợp có sự thay đổi thông tin trong danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu đã được xác nhận đăng ký, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm phải có văn bản báo cáo về nội dung thông tin thay đổi, đồng thời đăng ký những thông tin mới (nếu có) với Cục Xuất bản, In và Phát hành để xác nhận đăng ký bổ sung.
Cơ quan giải quyết hồ sơ
- Hồ sơ nhập khẩu sách để kinh doanh được nộp tại Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) bằng hình thức trực tiếp, đường bưu chính, qua cổng dịch vụ công.
- Thời gian xử lý hồ sơ 15 ngày làm việc.
Trường hợp tổ chức cá nhân nhập khẩu sách không kinh doanh vui lòng tham khảo bài viết sau: Thủ tục nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh
Bước 3: Thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu trước khi phát hành
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải ban hành quy chế nội bộ về thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và có trách nhiệm triển khai thực hiện đúng quy chế trong quá trình hoạt động.
Người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải tổ chức thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu trước khi phát hành theo quy định sau đây:
- Thành lập hội đồng thẩm định gồm: Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm, thành viên hội đồng là các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến nội dung xuất bản phẩm cần thẩm định, thư ký hội đồng là nhân viên phụ trách thẩm định nội dung. Việc mời chuyên gia tham gia hội đồng thẩm định do người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm quyết định;
- Việc thẩm định tiến hành đối với từng xuất bản phẩm nhập khẩu. Kết quả thẩm định được lập thành biên bản, báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ 03 tháng/lần;
Trong quá trình thẩm định, nếu phát hiện xuất bản phẩm nhập khẩu có nội dung vi phạm Khoản 1 Điều 10 Luật xuất bản, cơ sở nhập khẩu không được phát hành xuất bản phẩm và phải báo cáo kịp thời với Bộ Thông tin và Truyền thông. Các nội dung vi phạm gồm:
- Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
- Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
- Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Lưu ý: Trong quá trình phát hành xuất bản phẩm, khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu, người đứng đầu cơ sở nhập khẩu phải tổ chức thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định bằng văn bản. Xuất bản phẩm nhập khẩu chỉ được phát hành sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chế độ báo cáo định kỳ của cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm
Thời hạn gửi báo cáo:
- Cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh gửi báo cáo 06 tháng đầu năm chậm nhất vào ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo và báo cáo năm gửi chậm nhất vào ngày 10 tháng 01 của năm liền sau năm báo cáo;
Hình thức của báo cáo và cách thức gửi báo cáo trong quá trình kinh doanh sách nhập khẩu:
- Báo cáo bằng hình thức văn bản giấy phải có dấu, chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc chữ ký của cá nhân thực hiện chế độ báo cáo hoặc báo cáo bằng hình thức văn bản điện tử phải có định dạng PDF và được Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân thực hiện chế độ báo cáo ký số bằng chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hợp pháp cung cấp;
- Việc gửi báo cáo thực hiện theo một hoặc nhiều cách: Qua đường bưu chính, fax, nộp trực tiếp, thư điện tử (E-mail) hoặc gửi qua hệ thống báo cáo trực tuyến.
- Trường hợp gửi báo cáo qua thư điện tử (E-mail), văn bản báo cáo phải là các tệp tin có định dạng Word hoặc Excel, kèm định dạng PDF được quét (scan) từ văn bản giấy để đối chiếu, bảo đảm tính chính xác của thông tin báo cáo.
Dịch vụ xin giấy phép nhập khẩu sách (xuất bản phẩm) của Luật HT
- Tư vấn các điều kiện cần đáp ứng để xin giấy phép nhập khẩu sách;
- Tư vấn soạn thảo hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu sách
- Tư vấn trình tự, thủ tục xin giấy phép nhập khẩu sách;
- Tư vấn cho khách hàng chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu sách;
- Nộp hồ sơ, theo dõi hồ sơ và nhận kết quả bàn giao lại cho Quý khách hàng;
- Tư vấn pháp lý trong quá trình hoạt động kinh doanh của cơ sở nhập khẩu.
Công ty Luật HT luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Mọi khó khăn, vướng mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ hoặc gửi email để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!