Lưu ý về việc lựa chọn địa điểm kinh doanh
Lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp sẽ góp phần mang lại những thành công cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể, địa điểm kinh doanh không chỉ phản ánh tính không gian của hoạt động kinh doanh mà còn tạo sự tin tưởng của đối tác trong giao dịch với doanh nghiệp. Hiện nay, pháp luật cho phép các chủ thể được quyền tự do lựa chọn địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, có những địa điểm không được lựa chọn làm địa điểm kinh doanh doanh nghiệp cần phải lưu ý.
Mục lục
Lưu ý địa điểm kinh doanh không được đặt tại chung cư, nhà tập thể
Theo quy định tại Luật nhà ở 2014, chung cư, nhà tập thể có chức năng để ở, không có chức năng kinh doanh. Trừ trường hợp các chung cư hỗn hợp vừa có chức năng để ở và chức năng kinh doanh, vì vậy khi lựa chọn thành lập địa điểm tại những tòa nhà chung cư hỗn hợp, doanh nghiệp cần yêu cầu ban quản lý tòa nhà cung cấp giấy tờ chứng minh chức năng được phép kinh doanh của tòa nhà.
Lưu ý lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh
Tùy thuộc vào từng ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải xem xét đánh giá có được phép kinh doanh trên địa điểm đó không?
Ví dụ : Khi kinh doanh nhóm ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến,… doanh nghiệp không được đặt trụ sở chính tại khu dân cư, trung tâm thành phố. Vì khu dân cư, trung tâm thành phố có mật độ dân số cao, việc kinh doanh các nhóm ngành trên trong khu vực này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân (ô nhiễm môi trường, tiếng ồn,…). Trường hợp doanh nghiệp muốn đặt trụ sở chính trong thành phố thì doanh nghiệp chỉ được buôn bán, trao đổi, trưng bày sản phẩm và doanh nghiệp phải thành lập các chi nhánh tại vùng lân cận để thực hiện các công việc nuôi trồng, chế biến, sản xuất.
Lưu ý vị trí địa lý của địa điểm kinh doanh
Doanh nghiệp cần phải xác định năng lực tài chính của mình, nhóm khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới, nên chọn vị trí, giao thông thuận lợi để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Lưu ý lựa chọn hình thức đăng ký cho địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
Sau khi lựa chọn được vị trí địa điểm, tùy thuộc vào kế hoạch, mục đích kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong ba loại hình đơn vị phụ thuộc sau để đăng ký cho địa điểm kinh doanh.
- Chi nhánh công ty: có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinhdoanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
- Văn phòng đại diện của công ty: có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
- Địa điểm kinh doanh của công ty: là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Trên đây là những nội dung lưu ý về việc lựa chọn địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp. Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn nhanh chóng và kịp thời nhất.