Thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản
Các quyết định, nghị quyết của Hội đồng thành viên có thể được thông qua bằng hình thức biểu quyết trực tiếp của các thành viên tham gia tại cuộc họp hoặc có thể được thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.
Muốn các nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua thì theo nguyên tắc trước tiên phải lấy ý kiến của các thành viên và số thành viên tán thành phù hợp với quy định. Các ý kiến của thành viên sẽ được ghi nhận trong biên bản họp Hội đồng thành viên và lưu giữ lại tại trụ sở chính công ty. Bài viết dưới đây Luật HT sẽ cung cấp cho các bạn các thông tin về việc thông qua nghị quyết của Hôi đồng thành viên theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.
Quy định của pháp luật về hình thức lấy ý kiến bằng văn bản
Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến thành viên bằng văn bản để thông qua nghị quyết, quyết định được thực hiện theo quy định tại Điều 61 Luật Doanh nghiệp 2020.
Theo đó, chủ tịch Hội đồng thành viên quyết định việc lấy ý kiến thành viên Hội đồng thành viên bằng văn bản để thông qua nghị quyết, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Đồng thời, chủ tịch Hội đồng thành viên có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo, gửi các báo cáo, tờ trình về nội dung cần quyết định, dự thảo nghị quyết, quyết định và phiếu lấy ý kiến đến các thành viên Hội đồng thành viên.
Cần lưu ý rằng, phiếu lấy ý kiến phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên Hội đồng thành viên;
- Vấn đề cần lấy ý kiến và ý kiến trả lời tương ứng theo thứ tự tán thành, không tán thành và không có ý kiến;
- Thời hạn cuối cùng phải gửi phiếu lấy ý kiến về công ty;
- Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên
Phiếu lấy ý kiến có nội dung đầy đủ, có chữ ký của thành viên Hội đồng thành viên và được gửi về công ty trong thời hạn quy định được coi là hợp lệ. Chủ tịch Hội đồng thành viên tổ chức việc kiểm phiếu, lập báo cáo và thông báo kết quả kiểm phiếu, nghị quyết, quyết định được thông qua đến các thành viên trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn mà thành viên phải gửi ý kiến về công ty.
Báo cáo kết quả kiểm phiếu có giá trị tương đương biên bản họp Hội đồng thành viên và phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Mục đích, nội dung lấy ý kiến;
- Họ, tên, tỷ lệ phần vốn góp, số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên đã gửi lại phiếu lấy ý kiến hợp lệ; họ, tên, tỷ lệ phần vốn góp, số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên mà công ty không nhận lại được phiếu lấy ý kiến hoặc gửi lại phiếu lấy ý kiến nhưng không hợp lệ;
- Vấn đề được lấy ý kiến và biểu quyết; tóm tắt ý kiến của thành viên về từng vấn đề lấy ý kiến (nếu có);
- Tổng số phiếu lấy ý kiến hợp lệ, không hợp lệ, không nhận được; tổng số phiếu lấy ý kiến hợp lệ tán thành, không tán thành, không có ý kiến đối với từng vấn đề biểu quyết;
- Nghị quyết, quyết định được thông qua và tỷ lệ phiếu biểu quyết tương ứng;
- Họ, tên, chữ ký của người kiểm phiếu và Chủ tịch Hội đồng thành viên. Người kiểm phiếu và Chủ tịch Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm liên đới về tính đầy đủ, chính xác, trung thực của nội dung báo cáo kết quả kiểm phiếu.
Theo đó, trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi tại nghị quyết, quyết định đó. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản khi được số thành viên sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
Nếu bằng văn bản thì phải tuân theo quy định trên. Chủ tịch Hội đồng thành viên phải tổ chức việc soạn thảo, gửi các báo cáo, chương trình về nội dung cần quyết định, dự thảo nghị quyết và đặc biệt phải gửi phiếu lấy ý kiến đến các thành viên.
Phiếu lấy ý kiến phải có thông tin công ty, thông tin của thành viên, tỷ lệ góp vốn, số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, vấn đề cần lấy ý kiến và ý kiến trả lời, thời hạn phải gửi phiếu lấy ý kiến về công ty. Chủ tịch Hội đồng thành viên phải ký tên, ghi rõ họ tên trên phiếu. Phải chú ý phiếu lấy ý kiến phải gửi về trong thời hạn quy định mới hợp lệ.
Sau khi hết thời hạn quy định gửi phiếu lấy ý kiến về công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên tổ chức kiểm phiếu, công bố kết quả kiểm phiếu trong báo cáo. Báo cáo này có giá trị tương đương biên bản họp Hội đồng thành viên.
Trên đây là những quy định của Luật doanh nghiệp 2020 về thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.
Nếu bạn còn bất cứ vướng mắc nào về vấn đề này hoặc bạn cần tư vấn về thủ tục thành lập doanh nghiệp, thành lập công ty vui lòng liên hệ chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ