Thủ tục giải thể doanh nghiệp năm 2024
Thủ tục giải thể doanh nghiệp là quá trình để doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại pháp lý, khác với việc thực hiện thủ tục thành lập công ty rất nhanh chóng và đơn giản, thì thủ tục giải thể có phần phức tạp hơn, vì doanh nghiệp phải quyết toán toàn bộ nghĩa vụ thuế trong thời gian hoạt động kinh doanh. Giải thể doanh nghiệp là phương án để doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Luật HT xin cung cấp đến Quý khách hàng trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp như sau:
Mục lục
- 1 Căn cứ pháp lý
- 2 Các trường hợp phải thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp
- 3 Trình tự thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp
- 3.1 1. Thông quan nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần
- 3.2 2. Tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp; Thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp theo thứ tự ưu tiên sau đây:
- 3.3 3. Thực hiện quyết toán thuế, chấm dứt hiệu lực mã số thuế
- 3.4 4. Nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp
- 4 Thủ tục giải thể doanh nghiệp
- 5 Dịch vụ giải thể doanh nghiệp của Luật HT:
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Các trường hợp phải thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp
Khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định các trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:
a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Trình tự thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trình tự giải thể doanh nghiệp điểm a, b và c khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp được thực hiện như sau:
1. Thông quan nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần
2. Tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp; Thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp theo thứ tự ưu tiên sau đây:
- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
- Nợ thuế;
- Các khoản nợ khác;
Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần
3. Thực hiện quyết toán thuế, chấm dứt hiệu lực mã số thuế
4. Nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp
Thủ tục giải thể doanh nghiệp
Bước 1: Thông báo thủ tục giải thể doanh nghiệp
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định giải thể quy định tại khoản 1 Điều 208 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi thông báo về việc giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ sau đây:
- Nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc giải thể doanh nghiệp;
- Phương án giải quyết nợ (nếu có).
- Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp
Sau khi nhận được thông báo giải thể doanh nghiệp, trong thời hạn 3 ngày làm việc Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật tình trạng “Doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể” trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Thực hiện thanh lý tài sản, các khoản nợ và nghĩa vụ công ty
Trước khi nộp hồ sơ thực hiện thủ tục quyết toán thuế, doanh nghiệp tiến hành thực hiện:
- Thanh lý tài sản;
- Thanh lý các khoản nợ: nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Giải quyết các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
- Hoàn tất báo cáo thuế, tờ khai thuế, nợ thuế (nếu có).
Bước 3: Thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế
- Nộp công văn xin xác nhận nghĩa vụ hải quan kể cả trong trường hợp không có hoạt động xuất, nhập khẩu;
- Nộp hồ sơ xin xác nhận chấm dứt hiệu lực mã số thuế, hồ sơ gồm có: Văn bản đề nghị đóng mã số thuế; Công văn quyết toán thuế; Cam kết không hòan thuế; Cam kết không nợ thuế….
Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp sẽ kiểm tra tình trạng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp và chấp thuận việc đóng mã số thuế.
Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp và có công văn chấp thuận việc đóng mã số thuế của cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, gồm có các giấy tờ sau:
- Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);
- Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Sau khi nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp, trong thời hạn 3 ngày làm việc Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật tình trạng “Doanh nghiệp đã giải thể” trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 5: Trả dấu công ty hoàn tất thủ tục giải thể doanh nghiệp
Trường hợp doanh nghiệp sử dụng con dấu do cơ quan Công an cấp, doanh nghiệp có nghĩa vụ trả con dấu, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan Công an để được cấp giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu.
Trường hợp doanh nghiệp tự khắc con dấu từ ngày 01/07/2015 đến nay thì doanh nghiệp có trách nhiệm không được tiếp tục sử dụng con dấu mà không phải thực hiện thủ tục trả lại con dấu tại cơ quan nhà nước.
Lưu ý:
Đối với những doanh nghiệp có nhiều đơn vị phụ thuộc như: chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động của các đơn vị phụ thuộc trước khi thực hiện thủ tục giải thể công ty.
Dịch vụ giải thể doanh nghiệp của Luật HT:
- Tư vấn thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp;
- Soạn thảo hồ sơ giải thể doanh nghiệp;
- Tư vấn về nghĩa vụ thuế trong quá trình giải thể doanh nghiệp;
- Nhận ủy quyền nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
Công ty Luật HT luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Mọi khó khăn, vướng mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ hoặc gửi email để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!