Vốn điều lệ và thời hạn góp vốn
Hiện nay, nguồn vốn điều lệ tại thời điểm nộp hồ sơ thành lập công ty, các nhà đầu tư không cần chứng minh việc đã góp đủ số vốn với cơ quan đăng ký kinh doanh, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư có thể góp vốn vào bất kỳ thời điểm nào. Vậy thì khi nào phải góp đủ số vốn điều lệ vào doanh nghiệp, hãy đồng hành cùng Luật HT để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục
Vốn điều lệ là gì ?
Chính là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Luật Doanh nghiệp 2020 cũng đã quy định cụ thể các loại tài sản được sử dụng để góp vốn vào công ty, doanh nghiệp. Theo đó, tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.
Lưu ý về vốn điều lệ trong một số trường hợp đặc biệt
Có quy định mức vốn tối thiểu hoặc tối đa hay không ?
Pháp luật hiện không quy định mức vốn tối thiểu hay tối đa khi thành lập công ty. Tuy nhiên, nếu đăng ký vốn điều lệ quá thấp thì sẽ không thể hiện được tiềm lực tài chính của công ty, nhưng nếu đăng ký vốn điều lệ quá cao so với số vốn thực có sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện sổ sách kế toán, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Do đó, doanh nghiệp nên lựa chọn mức vốn phù hợp với quy mô kinh doanh, phù hợp với các chi phí để đầu tư máy móc, trang thiết bị, thuê mặt bằng, nhân công, mua nguyên vật liệu đầu vào… để đăng ký kinh doanh.
Mức vốn điều lệ cho một số ngành nghề đặc thù ?
Một số ngành nghề kinh doanh yêu cầu một mức vốn điều lệ cụ thể thì mới đủ điều kiện để đăng ký ngành nghề kinh doanh đó, vốn này còn được gọi là vốn pháp định.
Vốn pháp định không áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp mà được xác định theo từng ngành, nghề kinh doanh cụ thể. Chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh những ngành, nghề đó thì mới cần đăng ký đủ số vốn theo quy định.
Việc quy định mức vốn pháp định cụ thể ở Việt Nam chủ yếu được xác định thông qua các văn bản chuyên ngành, quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh các ngành nghề có điều kiện.
Tùy thuộc vào từng ngành nghề kinh doanh, có những ngành chỉ cần đăng ký vốn pháp định là có thể kinh doanh, nhưng có những ngành ngoài việc đăng ký vốn pháp định doanh nghiệp còn phải thực hiện việc ký quỹ để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của mình.
Ví dụ:
Một số ngành nghề chỉ cần đăng ký vốn pháp định:
Kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng 6 tỷ
Hoạt động thông tin tín dụng 30 tỷ
Doanh nghiệp phá dỡ tàu biển 50 tỷ
Thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất từ 5 tỷ đến 300 tỷ
Một số ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, đồng thời phải thực hiện việc ký quỹ:
Thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất ký quỹ từ 5 tỷ đến 300 tỷ
Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa 100 triệu đồng, doanh nghiệp ký quỹ 20 triệu đồng
Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 250 triệu đồng, doanh nghiệp ký quỹ 50 triệu đồng
Cho thuê lại lao động, doanh nghiệp ký quỹ 2 tỷ đồng
Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp ký quỹ 300 triệu đồng
Kinh doanh dịch vụ đưa người lao động ở nước ngoài ký quỹ 1 tỷ đồng
Thời hạn góp vốn của công ty
Chủ sở hữu/thành viên/cổ đông phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.
Trong trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, thì:
- Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ số vốn điều lệ. Trong trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định.
- Công TNHH 2 thành viên trở lên phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
- Công ty Cổ phần phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này đồng thời phải đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập. Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.
Mọi thắc mắc của Quý khách hàng về vốn điều lệ của doanh nghiệp, vui lòng liên hệ Luật HT để được hỗ trợ nhanh nhất!