Các hình thức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam
Hình thức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh, các nhà đầu tư có thể là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài. Việt Nam với ưu thế có nền chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào, thị trường rộng lớn, tăng trưởng kinh tế bền vững, vị trí địa lý thuận lợi … nên được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn là địa điểm lý tưởng để đầu tư. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam được đầu tư theo những hình thức nào? Hãy cùng Luật HT tìm hiểu về vấn đề này.
Cơ sở pháp lý
- Luật Đầu tư năm 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Mục lục
- 1 Các hình thức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam
- 2 Dịch vụ tư vấn các hình thức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam của Luật HT
Các hình thức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam
Hình thức 1: Nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Thứ nhất, điều kiện nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức này phải đáp ứng
Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài:
Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật Việt Nam quy định cụ thể về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, thông qua:
- Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
- Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
Các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các nội dung:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
- Hình thức đầu tư;
- Phạm vi hoạt động đầu tư;
- Năng lực của nhà đầu tư;
- Đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư.
Đáp ứng điều kiện đối với từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, cụ thể:
- Thành lập công ty TNHH 1 thành viên cần có một nhà đầu tư là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn điều lệ;
- Thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên cần có từ 02 đến 50 thành viên và phải có ít nhất 1 nhà đầu tư là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ;
- Thành lập công ty cổ phần cần có từ 03 cổ đông trở lên và phải có ít nhất 1 nhà đầu tư là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ;
- Thành lập công ty hợp danh: phải có ít nhất 1 thành viên hợp danh là cá nhân hoặc 1 thành viên góp vốn là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ;
Đáp ứng điều kiện về thủ tục thành lập tổ chức kinh tế:
Nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế:
- Đối với trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới: nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư à cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật.
- Đối với trường hợp nhận chuyển nhượng dự án đầu tư: Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư -à thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, đánh giá hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế:
- Ưu điểm:
Doanh nghiệp mới được thành lập tại Việt Nam sẽ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được thừa nhận là một chủ thể pháp lý độc lập, được nhân danh mình tham gia các giao dịch với Bên thứ ba trong quá trình hoạt động kinh doanh, dễ tạo được sự tin cậy từ đối tác.
Đối với nhà đầu tư sở hữu 100% vốn điều lệ sẽ được toàn quyền quyết định các vấn đề trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp có đối tác cùng thực hiện dự án thì lợi nhuận, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp của mỗi bên nên đảm bảo được tính công bằng.
- Nhược điểm:
Trước khi thành lập doanh nghiệp mới, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, tùy thuộc vào từng dự án mà nhà đầu tư phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư à thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giấy CNĐKĐT) à thành lập tổ chức kinh tế, do đó giấy tờ và thủ tục phải chuẩn bị khá nhiều.
Hoạt động của dự án từ khi thành lập, vận hành và kết thúc sẽ phải chịu sự điều chỉnh đồng thời của nhiều chế định pháp luật khác nhau như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Trong trường hợp thành lập Doanh nghiệp mới có sự góp vốn của các thành viên, cổ đông khác, Nhà đầu tư từ Trung Quốc có thể sẽ phải phụ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề về dự án, làm giảm độ linh hoạt của nhà đầu tư trong các quyết định đầu tư của mình.
Hình thức 2: Nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bằng việc góp vốn, mua cổ phần
Thứ nhất, điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng
Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài:
Cũng giống như hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần cũng cần đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường, thông qua:
- Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
- Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
Đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật đầu tư;
Đáp ứng điều kiện của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Đáp ứng điều kiện về thủ tục đầu tư
- Để góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện các thủ tục sau:
- Thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật đầu tư năm 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế.
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
- Thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
- Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc 2 trường hợp nêu trên.
Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
- Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
- Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
- Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc 3 trường hợp nêu trên.
Thứ hai, đánh giá hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp:
- Ưu điểm:
Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế giúp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm được thời gian, chi phí, tận dụng được các điều kiện về mặt bằng, nhà xưởng, nhân công mà doanh nghiệp trước đã gây dựng.
- Nhược điểm:
Hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh vì một số ngành nghề hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài phải tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý, khả năng tài chính, hoạt động kinh doanh của tổ chức kinh tế trước khi đầu tư.
Hình thức 3: Đầu tư theo hình thức thực hiện dự án đầu tư
Thứ nhất, điều kiện nhà đầu tư phải đáp ứng:
- Tùy thuộc vào từng dự án đầu tư, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện mà dự án đề ra để được lựa chọn.
- Việc lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Do đó, thủ tục thực hiện đầu tư sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành tương ứng với dự án đó.
Thứ hai, đánh giá hình thức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hình thức thực hiện dự án đầu tư
- Ưu điểm:
Nhà đầu tư có cơ hội nắm bắt được dự án đầu tư cụ thể, chuẩn bị trước được nhân lực, vật lực đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn để thực hiện dự án.
- Nhược điểm:
Tính cạnh tranh cao vì có rất nhiều nhà đầu tư cùng mục đích;
Không thành lập tổ chức kinh tế nên sau khi kết thúc mỗi dự án là kết thúc hoạt động đầu tư.
Hình thức 4: Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Đây là hình thức đầu tư theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Do không thành lập pháp nhân nên nhà đầu tư thường chủ động, linh hoạt hơn và ít phụ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề của dự án đầu tư nên đây là hình thức không chỉ được các nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lựa chọn.
Thứ nhất, điều kiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC:
- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.
- Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận
Nội dung hợp đồng BCC
Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
- Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
- Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
Thứ hai, đánh giá hình thức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hợp đồng BCC
- Ưu điểm:
Hình thức đầu tư linh hoạt, tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo được mục đích kinh doanh của các bên;
Do không thành lập tổ chức kinh tế nên quyền và nghĩa vụ của các bên không có sự ràng buộc về mặt tổ chức mà quyền và nghĩa vụ của các bên ràng buộc bởi hợp đồng, các bên chủ động thực hiện quyền nghĩa vụ của mình với tư cách pháp nhân độc lập;
Đầu tư theo hợp đồng BCC phù hợp với những dự án đầu tư ngắn hạn, thu hồi được vốn nhanh. Thủ tục sau khi kết thúc hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc hai bên có nhu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn không quá phức tạp, không ảnh hưởng đến tư cách hoạt động độc lập của các bên.
- Nhược điểm:
Tuy nhiên, hình thức đầu tư này không phù hợp với những dự án dài, cần triển khai nhiều giai đoạn và việc kinh doanh phức tạp cần sự quản lý chặt chẽ.
Dịch vụ tư vấn các hình thức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam của Luật HT
- Tư vấn cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với quy mô, kế hoạch kinh doanh;
- Tư vấn cho nhà đầu tư các điều kiện cần đáp ứng với hình thức đầu tư đã lựa chọn;
- Tư vấn thủ tục thực hiện để đăng ký đầu tư tại Việt Nam;
- Soạn thảo hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, thành lập công ty của nhà đầu tư tại Việt Nam;
- Theo dõi và xử lý hồ sơ thủ tục đăng ký đầu tư, thành lập công ty của nhà đầu tư tại Việt Nam;
- Nhận kết quả thủ tục đăng ký đầu tư, thành lập công ty và bàn giao lại cho nhà đầu tư.
Công ty Luật HT luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các nhà đầu tư. Mọi khó khăn, vướng mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ hoặc gửi email để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!